Tự kiểm tra an toàn thực phẩm

 Thứ Tư, 04/01/2012 22:27

Trước tình hình vệ sinh thực phẩm chưa có tín hiệu an toàn, người dân có thể tự kiểm tra mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm tại nhà thông qua những bộ kit do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, chế tạo
GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM, cho biết do chạy theo lợi nhuận, không ít người chăn nuôi hiện nay đã sử dụng thuốc tăng trọng để kích thích gia súc, gia cầm tăng trưởng.
Bệnh từ chất tăng trọng cho heo, gà
Các chất tăng trọng cho gia cầm, gia súc như dexamethasone và các dẫn xuất sẽ giúp tạo tăng trọng giả tạo bằng hiện tượng giữ nước; các chất beta-agonists mà điển hình là clenbuterol, salbutamol, ractopamine… có tác dụng tăng nạc. Khi ăn thịt các loại gia súc, gia cầm này, chất dexamethasone tích lũy trong cơ thể lâu dài sẽ gây loãng xương, rối loạn hệ nội tiết, đái tháo đường, tăng huyết áp… Còn beta-agonists thì có thể gây hội chứng ngộ độc cấp cho người sử dụng với triệu chứng như sốt, run cơ, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, buồn nôn.

 Kỹ sư Đỗ Văn Thường giới thiệu về bộ kit Elisa

Theo GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, nghiên cứu thử nghiệm cho thấy chỉ cần trộn vào thức ăn vài mg clenbuterol và salbutamol cho một con gà và cỡ vài trăm mg cho một con heo là đạt được mức độ tăng trọng trên 50% sau 3 tuần nuôi đối với gà và gần gấp đôi sau 18 tuần nuôi đối với heo.
Nấm mốc, độc tố vi nấm
Hiện nay, tình trạng nhiễm độc tố nấm mốc trong nông sản cũng đáng lo ngại. GS-TS Nguyễn Thơ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ sinh học nhiệt đới TPHCM, cho biết nấm mốc và độc tố nấm mốc có thể xâm nhiễm vào nông sản từ lúc sản xuất ở đồng ruộng, khi thu hái và bảo quản.
Theo GS-TS Nguyễn Thơ, hầu như các loại nông sản, thực phẩm và cả thuốc đông y tại Việt Nam hiện nay đều bị nhiễm hóa chất độc hại, nấm mốc và độc tố vi nấm. Trên nông sản có nhiều loại nấm mốc nhưng quan trọng nhất có các loại: Aspergillus flavus và aspergillus parasiticus sinh ra độc tố aflatoxin; aspergillus ochraceus sinh ra độc tố ochratoxins. Hậu quả trước mắt là có thể gây ngộ độc cấp tính, chậm hơn thì tích lũy độc tố từ từ gây các bệnh mãn tính, điển hình là ung thư.
TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết thêm một vấn đề khác về chuyện thực phẩm không an toàn. Theo đó, mỡ và dầu (chất béo lipid) rất dễ bị ôxy hóa dẫn đến bị ôi, hư. Nghiên cứu cho thấy quá trình ôxy hóa dầu, mỡ là nguyên nhân của nhiều bệnh như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, thiểu năng động mạch vành…   
Xét nghiệm sàng lọc nhanh
Nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thanh Mai vừa nghiên cứu, chế tạo được một bộ kit xác định nhanh peroxid trong dầu ăn và thực phẩm chế biến (peroxid là sản phẩm sơ cấp của quá trình ôxy hóa). Bộ kit có 2 loại: Bộ xác định peroxid với cách so màu bằng mắt (có 3 khoảng màu đánh giá peroxid trong dầu ăn), thực hiện đơn giản, có thể báo định lượng nhanh peroxid với các mẫu dầu, mỡ lỏng không chứa màu thực phẩm; bộ kit đo màu bằng máy để xác định peroxid trong mẫu dầu, mỡ và các loại thực phẩm chế biến.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Mai, bộ kit này sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, nhà hàng, quán ăn… Do bộ kit này không yêu cầu kỹ thuật thực hiện phức tạp nên người dân cũng có thể trang bị để sử dụng tại nhà.
Trước đó, nhóm các nhà khoa học ở vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit Elisa, thông qua bộ kit này có thể phát hiện nhanh dư lượng hormone tăng trọng clenbuterol trong gia súc và độc tố nấm mốc aflatoxin trong nông sản.
Kỹ sư Đỗ Văn Thường, tác giả của nghiên cứu này, cho biết bộ kit Elisa được nghiên cứu phát triển trên nền công nghệ sinh học miễn dịch. Bộ kit có độ nhạy, độ chọn lọc cao ứng với các độc tố cần phân tích (độ nhạy 1 ppb, giới hạn phát hiện 0.2 ppb). Giá thành của bộ kit chỉ bằng 3/4 so với sản phẩm ngoại, dễ sử dụng, cho kết quả nhanh chỉ trong khoảng 1 giờ, các bước thực hiện đơn giản, không đòi hỏi người làm phải có trình độ cao về phân tích.
Thực hiện theo tiêu chuẩn GAP
GS-TS Nguyễn Thơ cho biết để phòng chống tình trạng nhiễm hóa chất độc hại, nấm mốc và độc tố vi nấm ở các loại nông sản, thực phẩm, thuốc đông y…, Bộ NN-PTNT cần phải tăng cường hơn nữa việc hướng dẫn, quản lý thực hiện sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP; canh tác hữu cơ, bảo vệ cân bằng sinh thái của đất, khống chế vi sinh vật có hại, trong đó có vi sinh vật gây độc tố. Ngoài ra, cần dùng giống kháng, tránh thu hoạch nông sản trong mưa, phơi hạt trong nhà có mái che trong suốt, bảo quản trong kho đúng quy cách. Những quy định của Nhà nước về độc tố vi nấm phải cụ thể và rõ ràng hơn nữa.
Bài và ảnh: ĐỨC HUY

Hà Lan tìm được kháng thể có thể vô hiệu hóa COVID-19
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN XÉT NGHIỆM NHANH KHÁNG NGUYÊN HAY GỌI LÀ TEST NHANH
Xét nghiệm nhanh chất tạo nạc tồn dư trong thịt
Hội Thảo ra mắt sản phẩm Kiểm tra nhanh Clenbuterol và Aflatoxin B1 bằng phương pháp ELISA
Chanh nhập từ Trung Quốc nhiễm thuốc bảo vệ thực vật
Phát hiện loại nấm giúp lúa lớn nhanh
Tự kiểm tra an toàn thực phẩm
Green Age launches Clenbuterol and Aflatoxin ELISA test kit
VỖ BÉO GÀ BẰNG KHÁNG SINH
Lật tẩy kỹ nghệ tăng trọng heo - Bài 2: Bung đùi cho heo, gây hại cho người
Dịch bệnh tôm chết sớm: Vấn đề quản lý hệ vi sinh trong nuôi tôm?
Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mới của Liên Hợp Quốc
Tác hại của hàn the đối với sức khỏe
Tìm kiếm


CÔNG TY TNHH THỜI ĐẠI XANH
Tòa nhà ICDC, Lô I 2, Đường D1.,
Khu Công Nghệ Cao TPHMC, P Tân Phú, Q.9, Tp. HCM
Điện thoại:(+84 - 8) 3503 2358 - (+84) 90 250 5589
Email: info@greenage.vn
www.greenage.vn      www.greenage.com.vn
Hỗ trợ trực tuyến
Đối tác
JWfCL6QY
JWfCL6QY